Khi tôi mang thai đứa con đầu tiên, tôi đã phải đọc mọi cuốn sách về mang thai và chăm sóc trẻ sơ sinh. Tôi đã lo lắng về tất cả mọi thứ có thể xảy ra với con mình, trong đó có giấc ngủ của bé.
Tôi đã đọc được cuốn sách thảo luận về vấn đề làm thế nào để bé có một chiếc giường an toàn để ngủ, những tình huống nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng của bé trong khi ngủ mà các bậc cha mẹ cần phải tránh bằng mọi giá. Như là việc để bé sơ sinh ngủ chung giường với bố mẹ có thể làm tăng nguy cơ bé bị đột tử và ngạt thở. Chính vì vậy, tôi đã mua một cái nôi, chồng tôi lắp và đặt nó trong phòng ngủ của chúng tôi. Vấn đề đã được giải quyết.
Sau đó, chúng tôi đưa em bé của mình vào trong nôi nhưng có lẽ bé không thích. Bé chỉ muốn ngủ khi được mẹ/bố ôm vào lòng. Vì vậy, tôi đã trải qua tuần đầu tiên sau khi sinh vô cùng mệt mỏi, căng thẳng. Tôi có cảm giác như mình bị kiệt sức khi lúc nào cũng phải bế bé. Tôi lo lắng cho con gái bé bỏng của mình và hiểu rằng vợ chồng tôi sẽ không thể ngủ chung với nhau được nữa.
Bé thường khóc thét mỗi khi tôi đặt con bé xuống giường, tôi vẫn cho bé ti và sau đó, thay vì đưa bé đặt vào trong nôi, tôi giữ nguyên bé như thế. Trước sự ngạc nhiên của tôi, bé ngủ nhưng tôi thì không thể dù rất mệt và chỉ mong được ngủ một giấc trọn vẹn. Tôi sợ nhắm mắt lại mình sẽ ngủ gật và một điều khủng khiếp nào đó sẽ xảy ra. May sao những ngày sau con bé đều ngủ ngon. Tôi thậm chí còn nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt bé lúc đang ngủ.
Tôi vẫn không ngừng lo lắng về giấc ngủ của bé nên quyết định gọi điện cho bác sỹ và họ đã tư vấn cho tôi làm thế nào để bé có một giấc ngủ ngon, ngủ sâu và an toàn.
Dù để bé ngủ trong cũi hay trong nôi, bố mẹ vẫn cần theo dõi bé chặt chẽ (Ảnh minh họa).
Đêm hôm sau, tôi bắt đầu thực hiện theo hướng dẫn của bác sỹ. Có vẻ như em bé của tôi rất thích thú khi được mẹ cưng nựng và ôm vào lòng, ru ngủ. Khi bé ngủ, tôi cũng cố gắng chợp mắt bên cạnh bé nhưng vẫn phải chú ý để bé được an toàn, bản thân mình không làm bất cứ điều gì trong lúc ngủ có thể gây nguy hiểm cho bé.
Làm sao để các mẹ có thể tranh thủ chợp mắt, thậm chí là có thể ngủ ngon khi bé ngủ bởi khi sinh xong, mẹ nào cũng rất mệt vì phải thường xuyên thức khuya chăm bé?
Chúng tôi đã thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa thích hợp và quyết định đặt bé lên giường cùng ngủ với bố mẹ. Tôi đã gỡ bỏ tất cả các gối ôm, gối tựa, chỉ trừ hai chiếc gối cho hai vợ chồng. Tôi cũng lấy những chiếc chăn lớn ra khỏi giường, chỉ để lại chăn đắp cho bé và chăn mỏng cho hai vợ chồng để bé không gặp bất cứ tình huống nguy hiểm nào.
Tôi ngủ ở giữa, bé ngủ bên phải tôi và chồng tôi ngủ bên trái tôi. Tôi luôn ý thức rằng bé đang ngủ cùng mình nên không thể ngủ ngon, nhưng lúc này thì được ngủ thôi cũng là điều tuyệt vời rồi, còn hơn là không được ngủ.
Đêm đó, tôi đã có thể ngủ được 2 tiếng mặc dù giấc ngủ bị gián đoạn. Tôi đã không phải di chuyển để chăm sóc bé. Bé cũng được đặt đúng vị trí để có thể dễ bú mẹ nên tôi đã ở trên giường 12 tiếng liên tục.
Tôi hiểu rằng việc cho bé ngủ chung với bố mẹ không phải là điều ai cũng có thể làm. Tôi đã có được giấc ngủ ngon hơn, bé cũng ngủ sâu hơn nhờ một số giải pháp đơn giản:
Có không gian thích hợp: Trong nhà của chúng tôi không có người hút thuốc, một chiếc giường cỡ lớn và một tấm nệm chắc chắn. Điều đó giúp cho việc bé ngủ chung cùng bố mẹ mà không gặp phải nguy hiểm nào.
Tôi cho bé bú sữa mẹ: Bé thường xuyên tỉnh giấc và đòi ti, cơ thể tôi và bé gần như hòa vào nhau. Tôi chỉ cần cho bé bú ngay trên chiếc giường của mình và còn ngủ lơ mơ ngay khi đang cho con bú. Tuy nhiên, tôi sẽ chỉ có giấc ngủ sâu khi bé không bú mẹ và đã ngủ ngoan.
Tăng nguồn sữa mẹ: Bởi vì tôi ở cạnh bé nên bé có thể ti bất cứ khi nào bé muốn. Và điều này giúp tôi có một nguồn sữa dồi dào, đủ cho bé bú thoải mái mà không lo mẹ thiếu sữa.
Xác định tư tưởng chúng ta cần phải ngủ: Hầu hết bố mẹ đều thiếu ngủ khi có con nhỏ, nhất là bé sơ sinh. Nhưng nếu bố mẹ không ngủ, chúng ta hoàn toàn có thể kiệt sức vào sáng hôm sau. Vì vậy cần phải xác định tư tưởng là đảm bảo giấc ngủ cho chính mình mới có thể đảm bảo giấc ngủ chất lượng cho bé.
Sự gần gũi tạo độc lập: Bé ngủ cùng với chúng tôi trong khoảng 5 tuần. Đến tuần thứ 6, bé đã có thể ngủ ngoan trong chiếc nôi đặt trong phòng bố mẹ. Khi bé được 2 tháng, chúng tôi chuyển bé đến chiếc giưỡng cũi trong phòng riêng của bé.
Một năm sau
Thỉnh thoảng bé vẫn ngủ cùng với bố mẹ khi bé không khỏe hoặc đêm đó bé khó ngủ, nhưng chỉ sau 1 năm, 95% thời gian bé có thể ngủ một mình.
Tuy nhiên, dù để bé ngủ trong cũi hay trong nôi, bố mẹ vẫn cần theo dõi bé chặt chẽ. Trước khi bố mẹ quyết định cho bé ngủ cùng hay cho bé ngủ riêng, các mẹ cũng cần tư vấn ý kiến của bác sỹ để bé có thể ngủ an toàn, ngủ ngon.
Nguồn afamily.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét